3 Cách Làm Xôi Gà Chiên Nước Mắm: Ngon, Đơn giản nhất
Vào những ngày trời se lạnh, thưởng thức xôi gà chiên nước mắm là “hết nước chấm”. Mùi thơm nức của xôi, sự hòa quyện gia vị đậm đà trong từng thớ gà chiên đủ để “mê hoặc” tất cả chúng ta. Vậy bạn đã biết cách chế biến món ăn này sao cho thơm ngon, chuẩn vị?
1. Xôi gà chiên nước mắm – Chưa bao giờ gây thất vọng
1.1 Xôi nếp dẻo ngon
Xôi nếp được chế biến từ nếp cái hoa vàng nên có mùi thơm ngọt và cực dẻo quạnh. Khi vừa chín tới, xôi tơi và ráo nước, từng hạt chín nục, óng ả, trông rất thích mắt. Khi nhấm nháp từ chút một, ta sẽ thấy xôi rất đưa hương, thanh nhẹ và không bị ngấy.
Đặc biệt, một số vùng còn thêm lá nếp cẩm, lá dứa khi đồ xôi, thành phẩm sẽ có màu đẹp mắt và dậy mùi hơn. Giúp làm gia tăng chất lượng xôi và đem đến nhiều lựa chọn cho người thưởng thức.
1.2 Gà chiên nước mắm thơm lừng
Vào buổi sáng đầu ngày, tạt qua xe đẩy bán xôi, gọi một suất xôi gà chiên mắm để lót dạ thì còn gì bằng. Món ăn này thường sử dụng phần đùi hoặc cánh gà, sau khi tẩm ướp gia vị thì đem chiên vàng. Cuối cùng, hòa nước sốt giúp thành phẩm nóng hổi và có mùi vị, hương thơm vô cùng hấp dẫn.
Khi xé một miếng gà dậy mùi và nếm thử, bạn sẽ cảm nhận rõ vị dai dai, giòn giòn, mằn mặn và cay nhẹ trên đầu lưỡi. Ăn khi còn nóng cùng xôi thì ngon khỏi bàn.
1.3 Đủ đầy dinh dưỡng
Protein, tinh bột và chất béo là 3 thành phần thiết yếu trong mỗi bữa ăn. Trong món xôi gà chiên nước mắm, tất cả các thành phần trên đều hội tụ đầy đủ. Gà chiên chứa một lượng lớn chất đạm, một ít chất béo và nhiều vitamin, sắt, man gan….
Trong xôi thì rất giàu tinh bột, vitamin nhóm B, A và E. Ngoài ra, các gia vị khác như hành lá, tỏi, hành tím… cũng tích hợp nhiều vi chất có lợi cho sức khỏe. Vậy nên món ngon này rất phù hợp để thay thế bữa cơm hằng ngày trong những dịp đặc biệt.
✖✖✖ TÌM HIỂU: Xôi gà roti
2. 3 Cách làm xôi gà chiên nước mắm cực thơm, cực hấp dẫn
2.1 Cách làm xôi gà chiên nước mắm mỡ hành truyền thống
Xôi gà chiên nước mắm được làm từ hai thành phần cơ bản là nếp cái hoa vàng và cánh gà. Trong đó, quá trình chế biến xôi không thể thiếu nước cốt dừa để hương xôi thêm dậy mùi. Cánh gà được chiên vừa độ, da giòn, thịt mềm, nhìn thì ngon mắt, ăn thì đã miệng.
2.1.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Nếp cái hoa vàng: 2kg
- Cốt dừa: 700ml
- Cánh gà ta: 2kg
- Tỏi cô đơn giã nhuyễn: 3 thìa lớn
- Hành tươi: 10 nhánh
- Hành tím giã nhuyễn: 6 thìa lớn
- Siro bắp: 4 thìa canh
- Tương ớt: 4 thìa canh
- Ngò rí: 1 lạng
- Gia vị gia giảm
2.1.2. Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Để làm sạch gà, sau khi cắt theo khớp thành 2-3 phần. Bạn pha giấm với nước theo tỉ lệ 1 : 4, thêm 1 thìa canh muối, hòa tan rồi đem ngâm trong 10’. Sau thời gian này, nếu thấy gà vẫn còn mùi có thể giã gừng và xát lên bề mặt nguyên liệu, gà sẽ hết sạch mùi hôi.
- Cho nếp vào chậu lớn và đổ thêm nước muối loãng theo tỉ lệ thể tích: 1 gạo : 3 nước. Ngâm nếp trong 8 tiếng hoặc để qua đêm. Sau đó đem vo gạo nhiều lần để loại bỏ tạp chất, vụn trấu. Cuối cùng để ráo
- Hành lá, mùi cắt rễ, nhặt sạch, ngâm nước muối trong 10 phút rồi tráng qua nước mát. Khi đã ráo nước, đem băm nhỏ hành, mùi giữ nguyên trạng thái.
Bước 2: Đồ xôi
- Cho vào rổ đựng gạo 1 thìa nhỏ bột nghệ và 1 thìa nhỏ hạt nêm chay. Sau đó thêm nửa muỗng cà phê đường kính và trộn đều với gạo
- Cho gạo vào xửng hấp, đổ nước chạm 1/3 thành nồi phía dưới, đậy khít rồi bật lửa lớn.
- Khi nước sôi khoảng 10″, mở nắp, rưới nước cốt dừa rồi xới đều xôi cho hơi nóng dễ bốc lên.
- Sau 20 phút, kiểm tra thấy xôi chín nhừ thì tắt bếp
Bước 3: Chiên gà
- Làm nóng dầu trên nền nhiệt cao. Khi thấy bắt đầu sủi tăm thì điều chỉnh lửa vừa phải, sau đó thả cánh gà ráo nước vào chiên (lưu ý cho lượng dầu ngập nguyên liệu để gà chín đều)
- Khi gà chuyển màu màu vàng nâu đẹp mắt, thử xiên đũa qua thịt thấy dễ dàng thì gắp gà ra đĩa lót sẵn giấy thấm dầu.
Bước 4: Chế biến nước sốt
- Cho hành tươi băm nhỏ vào dầu nóng, đảo đều. Khi thấy hành chín thì cho ra bát
- Tiếp tục dùng chảo trên, thêm dầu và phi thơm hành tím, sau đó vớt ra bát riêng
- Cuối cùng phi thơm tỏi với dầu, thêm ớt, đường, nước mắm, siro bắp, mỗi loại 2 thìa canh. Đảo đều cho đến khi nguyên liệu sệt lại thì rắc chút tiêu xay và tắt bếp.
Bước 5: Hoàn thiện
- Xới một đĩa xôi tròn trịa, rưới lên bề mặt chút nước sốt và mỡ hành. Sau đó rắc hành phi lên trên cùng, thêm vài cọng mùi cho bắt mắt
- Cánh gà chiên nhúng qua nước sốt rồi bày ra đĩa
2.1.3. Thành phẩm
- Món ăn có màu sắc rất bắt mắt: tươi xanh của hành mùi, vàng ươm của gà và xôi, đỏ nâu của nước sốt sánh quyện. Khi thưởng thức bạn sẽ thấy xôi rất dẻo thơm. Cánh gà giòn rùm rụm, nước sốt đặc thơm, ăn cực ngấm. Lại thêm hành phi, hành lá “nức mũi”, đảm bảo ăn là “bao” ghiền.
➤➤➤ XEM THÊM: Xe bán xôi và bánh mì
2.2 Cách làm xôi lá dứa gà chiên nước mắm
Món xôi lá dứa gà chiên nước mắm có hương thơm x3. Bởi trong thành phần nguyên liệu có cả lá dứa, cốt dừa và gia vị hành tỏi. Màu của món ăn trông cũng rất ấn tượng, xanh dịu và cực dậy mùi. Thành phẩm có thể dùng đơn lẻ nhưng sẽ ngon “hết nấc” nếu dùng kèm các loại dưa cải, dưa góp, kim chi.
2.2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Nếp cái hoa vàng: 1 kg
- Nước cốt dừa: 200ml
- Cánh gà: 1 kg
- Lá dứa: 1 bó
- Tỏi băm: 4 thìa canh
- Hành tím băm: 4 thìa canh
- Giấy bạc
- Các gia vị khác
2.2.2. Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Gà để nguyên cánh hoặc cắt theo phần khớp thành từng miếng nhỏ, rửa qua nước muối, để ráo
- Ép một nửa phần tỏi và toàn bộ hành tím lấy nước để ướp gà cùng chút hạt nêm
- Gạo ngâm nước muối trong 2h, sau đó xả lại nước sạch
Bước 2: Đồ xôi
- Cho gạo vào xửng hấ, khi có hơi nóng thì cho 1/2 cốt lá dứa và cốt dừa vào, đảo đều, đậy khít nắp.
- Sau 20 phút, tiếp tục cho phần còn lại cùng 1/6 thìa đường, xới tơi rồi lại đậy nắp. Tắt bếp sau 10″
- Cho xôi vào giấy bạc, cuộn chặt tay như cách cuộn sushi rồi cắt thành từng khoanh nhỏ có độ dày 3-4cm.
Bước 3: Chiên gà
- Đun sôi dầu, cho gà vào chiên ngập trong dầu chừng 20 phút
- Khi thấy gà có màu vàng ruộm thì gắp ra đĩa, để ráo.
Bước 4: Làm nước sốt
- Xào thơm nửa phần tỏi còn lại, sau đó rưới thêm 2 thìa canh nước mắm, 1/4 thìa đường.
- Điều chỉnh nhỏ lửa, khuấy đều cho đến khi nước sốt đặc quánh lại thì cho gà vào, xóc đều. Trong công đoạn này có thể thêm chút tiêu sọ nếu muốn.
Bước 5: Hoàn thiện
- Bóc lớp giấy bạc và xếp các khoanh xôi thành hàng hoặc hình vòng, song song với phần cánh gà
- Cánh gà chiên có màu vàng mật ong, xôi xanh lá, trông rất hấp dẫn và thơm phức
2.2.3. Thành phẩm
- Xôi lá dứa cánh gà chiên mắm chế biến không quá cầu kỳ mà thành phẩm rất thơm ngon, cực dậy mùi. Ăn trong ngày mát mẻ, thêm chút hành mùi tươi thì ngon “bá cháy”.
2.3 Cách làm xôi lá cẩm gà chiên mắm bơ tỏi
Món ăn này phảng phất chút phong vị ẩm thực của vùng Tây Nguyên. Thành phẩm vừa thơm mùi cốt dừa, vừa béo ngậy vị bơ lạc. Phần cánh gà vàng ruộm, ngon “nức nở”, lại thêm xôi dẻo màu tím đỏ trông cực hấp dẫn, ăn là “bao” ghiền.
2.3.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Nếp nương: 1 kg
- Đùi gà/cánh gà: 7-8 lạng
- Nước cốt dừa: 300ml
- Bơ lạc: nửa lạng
- Tỏi khô: 1 củ
- Dầu điều: 2 muỗng cà phê
- Ớt bột: nửa muỗng cà phê
- Lá cẩm: 2 lạng
- Hành tím: 5 củ
- Các gia vị khác
2.3.2. Cách thực hiện
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
- Gà cắt theo phần khớp, rửa sạch qua nước muối loãng rồi để ráo
- Hành và tỏi cắt rễ, lột vỏ, rửa trên vòi nước chảy rồi giã nhuyễn
- Ướp gà với hạt nêm, dầu điều, mỗi loại 2 thìa nhỏ. Sau đó cho thêm hành tím, một ít tỏi, 1/6 thìa đường, tiêu (hoặc ớt bột).
- Vo gạo sạch, hòa 4/5 lượng nước lá cẩm với 1/2 lượng cốt dừa, cho gạo vào ngâm trong 6h.
Bước 2: Đồ xôi
- Trộn gạo với 1/4 thìa muối, 1/4 thìa đường, cho vào xửng hấp
- Khi nếp nương vừa chín tới và dậy mùi thơm, cho toàn bộ nước lá cẩm và cốt dừa còn lại vào xửng. Đảo đều và để chừa một khoảng nhỏ ở giữa xửng để hơi nóng được lưu thông.
- Sau 1/4 giờ, xôi sẽ chín nục. Lúc này bạn mở nắp, chờ trong 5 phút rồi xới xôi ra đĩa.
Bước 3: Làm gà chiên mắm
- Chiên gà vàng hai mặt với dầu nóng rồi vớt ra, để ráo
- Hòa đường và nước mắm cốt theo tỉ lệ 1 : 3. Làm thơm phần tỏi giã còn lại rồi cho hỗn hợp vừa pha vào, để lửa vừa. Khi phần sốt bắt đầu sánh lại và có độ kết dính thì thả gà vào đảo đều tay. Sau 3 phút, khi các nguyên liệu hòa quyện là đạt yêu cầu.
Bước 4: Hoàn thiện
- Xôi cẩm màu hồng tím được đặt tròn trịa ở chính giữa, xung quanh trang trí bằng cánh/đùi gà chiên mắm
- Phía trên có thể dùng xà lách tạo hình bông hoa cho thành phẩm thêm phần bắt mắt
2.3.3. Thành phẩm
- Món xôi lá cẩm có màu rất đẹp và nổi bật, lại có mùi thơm phức, vị thanh nhẹ rất dễ chịu. Ăn cùng gà chiên mắm sẽ tạo ra sự hòa quyện hoàn hảo về hương vị, rất thơm ngon và hấp dẫn.
3. Một số lưu ý khi làm xôi gà chiên mắm thơm ngon, hấp dẫn nhất
3.1 Chọn mua gà tươi ngon
Nếu gà không tươi ngon thì dù bạn có chế biến theo cách nào, món ăn cũng không đảm bảo chất lượng. Theo đó, khi chọn gà, bạn cần lưu ý đến những điểm sau:
- Chọn gà có độ săn, sờ vào đàn hồi tốt, không có vết ấn tay
- Thịt có màu tươi hồng, mặt cắt còn óng ánh; da màu vàng tươi sáng
- Trong món gà chiên, thịt càng mềm càng ngon. Vậy nên chọn gà tơ thì món ăn sẽ chất lượng hơn bội phần
3.2 Sơ chế để gà không hôi
Để gà không còn mùi hôi, hãy học theo một số mẹo nhỏ sau:
- Ngâm và rửa gà trong nước muối loãng để diệt khuẩn và khử mùi
- Nếu sau khi ngâm muối, gà vẫn còn thì giã nát gừng và thêm chút dấm, chà xát lên bề mặt. Giữ trong 10 phút trước khi xả lại bằng nước sạch
Với hai bí kíp này, đảm bảo gà sau sơ chế sẽ sạch mùi, thành phẩm tạo ra chuẩn vị, không ám mùi hôi.
Trên đây là 3 cách làm xôi gà chiên nước mắm thơm ngon, chuẩn vị. Sau cùng, chúc bạn áp dụng thành công các công thức trên để trổ tài mỗi khi có dịp!