Skip to main content

Cách Làm Giò Lụa Không Có Lá Chuối: Thơm, Giòn, Ngon

71 Lượt xem
0 Bình luận
5/5 - (1 bình chọn)

Bạn là người thích vào bếp, mê mẩn món giò lụa truyền thống và sinh sống ở khu đô thị? Hãy tham khảo ngay cách làm giò lụa không có lá chuối tại nhà sau đây, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ về thành quả do chính mình tạo ra đấy!

1. Giò lụa – món ngon không thể thiếu trong những dịp đặc biệt

1.1 Mang ý nghĩa truyền thống

Không ai biết giò lụa ra đời từ khi nào, do ai nghĩ ra. Chỉ biết rằng trải qua hàng nghìn năm âm thầm tồn tại, trở thành món ăn trong mâm cỗ dâng lên gia tiên vào những dịp đặc biệt như: hiếu hỉ, tết Nguyên Đán, lễ Vu Lan hay cúng Rằm Tháng Bảy.

Ý nghĩa giò lụa

Tên của giò lụa hẳn lấy cảm hứng từ vẻ ngoài mịn màng và mượt mà như lụa của chúng. Khi vừa ra lò, thành phẩm ấm nóng, bên ngoài mềm mại, sờ thấy êm êm. Có lẽ vì thế mà món ăn này đã được lựa chọn để làm lễ vật, bày tỏ lòng thành với các đấng thần linh và ông bà tiên tổ.

1.2 Hương vị thơm ngon

Chẳng những giàu giá trị truyền thống, giò lụa còn gây “thương nhớ” bởi hương vị vô cùng thơm ngon và vừa miệng. Thớ giò trông vừa đẹp mắt, vừa có độ săn mịn, ăn mềm. Thế nhưng, khi cắn có độ nảy nhẹ nên mang lại cảm giác kích thích vị giác cực ấn tượng.

 Không chỉ vậy, món ăn này đạt đến sự hoàn hảo về độ hòa quyện giữa các gia vị thành phần và thịt lợn xay nhuyễn. Tạo nên mùi hương thơm phức và dư vị khó quên. Những khi thưởng thức, bạn có thể ăn vã hoặc ăn cùng cơm trắng nóng hổi, đều rất phù hợp.

1.3 Giá trị dinh dưỡng cao

Nguyên liệu chính làm nên giò lụa là thịt nạc xay, phần còn lại là mỡ lợn và gia vị gia giảm. Cũng vì thế mà thành phần chính trong giò lụa là protein, chiếm khoảng 21,5%, chất béo chiếm khoảng 5,5%.

Giò lụa ngon

Ngoài ra, còn có nước và một lượng nhỏ các vi chất khác. Như vậy, ăn giò lụa sẽ giúp bạn bổ sung một lượng lớn chất đạm cần thiết cho cơ thể, tương đương với việc dung nạp các loại thịt, cá, trứng, sữa mỗi ngày.

Về năng lượng cung ứng, nghiên cứu cho thấy trong mỗi 1kg giò lụa có khoảng 1360 cal. Đây là lượng calo ở mức thấp, ít có nguy cơ chuyển sang trạng thái tích lũy. Vậy nên, có thể nói giò lụa là món ăn sức khỏe đối với những ai có nhu cầu kiểm soát cân nặng, người tập thể hình để “tăng cơ, giảm mỡ”.

➤➤➤ THAM KHẢO: Máy xay giò chả 1Kg giá bao nhiêu

2. Cách làm giò lụa không có lá chuối cực đơn giản tại nhà

Giò lụa gói bằng lá chuối là “chuẩn bài”. Thế nhưng, không phải dễ để bạn tìm được lá chuối hột làm nguyên liệu gói giò. Đừng nản lòng, bởi ngay sau đây chúng tôi sẽ hướng dẫn cách làm giò lụa không có lá chuối cực đơn giản tại nhà. Đảm bảo thành phẩm vẫn đảm bảo thơm ngon phưng phức.

Làm giò lụa không lá chuối

2.1 Chuẩn bị nguyên liệu & dụng cụ

  • Thịt lợn nạc: 7-8 lạng (chọn loại thịt thăn, vai hoặc mông sấn)
  • Mỡ lợn: 2 lạng (chọn mỡ lá sẽ thơm hơn)
  • Nước mắm cốt ngon: 3-4 thìa (cốt cá cơm, cá thu)
  • Đá bào: 1-2 nắm
  • Dầu thực vật: 3-4 thìa
  • Muối tinh: 1 thìa nhỏ
  • Đường: 1 thìa nhỏ
  • Tiêu sọ: 1/2 thìa 
  • Bột năng: 1-2 thìa
  • Giấy bạc hoặc giấy nhôm

2.2 Các bước thực hiện

2.2.1. Sơ chế nguyên liệu

  • Cho thịt vào bát nước muối trong 10 phút, vớt ra thái khúc hình bao diêm, rửa sạch
  • Cắt nhỏ mỡ lá, rửa qua vòi nước chảy
  • Dùng cối giã nát hồ tiêu khô hoặc đập vỡ thành 3-4 mảnh (tùy vào sở thích)

Sơ chế nguyên liệu làm giò lụa

2.2.2. Xay và ủ thịt

  • Cho thịt và mỡ vào máy xay sinh tố hoặc tiện hơn là máy xay giò chả công nghiệp, khởi động máy và xay nhanh trong 1 phút (thịt chưa nát hoàn toàn)
  • Dùng tay nhào thật đều hỗn hợp này, sau đó bọc vào tấm khăn mát, cho vào ngăn đá 
  • Sau 3-4 tiếng, lấy thịt xay ra, tiếp tục cho thêm đầy đủ các gia vị khác: đá bào, dầu thực vật, muối tinh, tiêu, đường, bột năng, nước mắm cốt… nhào thật đều trong 10-15 phút trước khi bọc lại một lần nữa và cho vào tủ lạnh lần 2
  • 2 tiếng sau, lấy thịt ra xay trong 2-3 phút cho đến độ nhuyễn tơi, sờ không vón cặn là đạt yêu cầu.

Lưu ý: Mục đích của việc cho vào ngăn đá là để tạo độ thấm gia vị, thịt không bị biến tính do nhiệt của máy xay. Đồng thời, giúp cho thành phẩm tạo ra không bị bở, nhão mà săn mềm, thơm ngon. Vậy nên, ở công đoạn này bạn không nên rút ngắn thời gian. Ngược lại, càng không nên để quá lâu khiến thịt đông đá hoàn toàn lại gây phản tác dụng.

Xay thịt làm giò lụa

2.2.3. Đóng gói

  • Lăn phần giò sống thành hình trụ tròn, có thể chia thành 2-4 phần, tùy nhu cầu thực tế
  • Trải màng nhôm hoặc giấy bạc xuống dưới, đặt giò lên và cuộn thật chắc tay, đảm bảo giò không bị ứ nước khi nấu trên nền nhiệt cao. Sau đó, gập 1 bên đầu giò và dựng thân giò theo phương thẳng đứng. Tiếp tục gập gọn phần vỏ bọc thừa ở phía trên, hướng về phần trung tâm của cây giò.
  • Dùng tay lăn nhẹ thành phẩm vừa tạo ra, se từ trung tâm ra hai đầu, cuối cùng cố định bằng dây buộc

2.2.4. Luộc/hấp giò

  • Bạn có thể nấu chín giò theo hai cách: hấp hoặc luộc. Tuy nhiên để giò đậm đà, giữ nguyên hương vị, không bị mất chất trong nước thì hấp vẫn là cách thức chế biến phù hợp nhất
  • Thời gian luộc có thể kéo dài 25-30 phút, tùy kích thước cây giò. Thời gian hấp thường lâu hơn, dao động từ 30-45 phút

Hấp giò lụa không có lá chuối

2.3 Thành phẩm

  • Giò chín tới sẽ có độ săn đặc trưng, vỏ ngoài dai nhẹ nhưng bên trong mềm mại và thơm phức mùi hồ tiêu, phảng phất hương mắm cốt, đảm bảo ăn là ghiền
  • Bạn có thể cắt miếng ăn cùng tương ớt hoặc ăn kèm cơm nóng, chế biến thành món chiên, xắt mỏng xào dưa…vv. Nếu ăn vã, sẽ ngon hơn khi bảo quản trong tủ lạnh.

✔✔✔ XEM THÊM VỀ: Máy xay chả lụa 3kg

3. Mẹo làm giò lụa không cần lá chuối ngon, đẹp

Để giò lụa có kiểu cách đẹp mắt, đảm bảo độ thơm ngon mà không cần đến lá chuối, bạn nên lưu ý đến những điều sau:

3.1 Chú trọng khi chọn nguyên liệu

Nếu nguyên liệu làm nên món ăn không đảm bảo thì chất lượng thành phẩm chắc chắn sẽ là một dấu hỏi lớn. Do đó, bạn cần đặc biệt chú trọng khâu lựa chọn nguyên liệu.

Nguyên liệu làm giò lụa không lá chuối

Thịt nạc chọn loại mềm, sờ dính tay, vết dao cắt còn óng ánh. Mỡ lá phần mạn sườn gần bụng sẽ thơm hơn các vị trí khác. Nước mắm cốt cá cơm chuẩn vị đạm tự nhiên, không dùng loại nồng độ đạm cao do quá trình cô công nghiệp. Ngoài ra, giấy bọc cần đảm bảo vệ sinh, tránh tình trạng nhàu nhĩ, tái sử dụng khiến thành phẩm vừa xấu mã, vừa làm mất đi cảm giác an tâm và ngon miệng của người thưởng thức.

3.2 Lựa gia vị đặc trưng

Mùi hương và độ ngon của giò không chỉ đến từ chất lượng nguyên liệu chính mà còn có sự đóng góp không nhỏ của các loại gia vị như: tiêu xay, mắm cốt, bột năng…. 

Thiếu đi một thành phần gia giảm thì món ăn sẽ không tròn vị. Bên cạnh đó, việc lựa chọn loại gia vị đặc trưng, dậy mùi và nguyên chất cũng là một trong những bí quyết vàng giúp bạn chế biến thành công.

3.3 Đầu tư máy xay giò chả chuyên dụng 

Hiện nay, nhiều người sử dụng máy xay sinh tố để xay giò chả bởi đây là vật dụng khá phổ biến trong mỗi gia đình Việt. Tuy nhiên ai cũng biết công suất của máy xay sinh tố thường hạn chế, lưỡi dao ngắn và dày chứ không sắc như các dòng máy xay thịt. Chính vì vậy, rất khó để bạn thu được những mẻ thịt có độ nhuyễn cao khi sử dụng sản phẩm này.

Đầu tư máy xay thịt làm giò lụa

Trong một diễn biến khác, máy xay chả giò gia đình hoạt động với công suất lớn, tốc độ quay đạt 1800 vòng/phút. Đồng thời, lại có kết cấu rất đặc biệt với phần cối được bao quanh bằng lớp đá viên, giúp giữ thành phẩm không bị “dở sống, dở chín” do sức nóng từ lực quay thân máy.

Không chỉ vậy, hệ dao xé phay làm việc hết năng suất với thân dao dài, mỏng và cực sắc bén. Từ đó, làm gia tăng diện tích tiếp xúc với thịt nên chỉ sau 1-2 phút vận hành. Bạn có thể thu được mẻ giò sống có độ nhuyễn như bột.

Điều này sẽ giúp bạn chế biến giò lụa nhanh hơn, đỡ tốn công hơn và thành phẩm cũng mịn màng và chất lượng hơn.

Bạn có phải là “fan” trung thành của chả lụa truyền thống? Hãy thử ngay cách làm giò lụa không có lá chuối cực đơn giản tại nhà mà chúng tôi vừa chia sẻ nhé! 

Ý kiến của bạn
GỬI Bình luận
Nhập thông tin của bạn
GỬI Ý KIẾN THÀNH CÔNG
Inox quang huy đã nhận được ý kiến của bạn. Chúng tôi sẽ phản hồi lại bạn trong thời gian sớm nhất. Xin cảm ơn !
Tin xem nhiều
Bài viết liên quan